Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Khái quát vùng đất và con người xã Xuân Trường

    Xã Xuân Trường thuộc huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, cách thị trấn Bảo Lạc khoảng 20 km về phía đông. Xã có vị trí địa lí: Phía Bắc giáp xã Khánh Xuân và Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa; phía Đông giáp với hai xã Cần Nông và Lương Thông (huyện Hà Quảng); phía Nam giáp xã Hồng An và xã Phan Thanh; phía Tây giáp hai xã Phan Thanh và Khánh Xuân. Là một trong 5 xã biên giới của huyện Bảo Lạc, Xuân Trường có 2 xóm (Xà Phìn, Cáp Cán) tiếp giáp với đường biên giới Quốc gia, với chiều dài là 12,53 km. Xã có 13 cột mốc Quốc giới, trong đó 12 cột mốc chính và 1 mốc phụ (từ mốc 600 đến mốc 612/1).

anh tin bai

    Xuân Trường vốn là vùng đất cổ của huyện Bảo Lạc. Trong lịch sử, cùng với sự thay đổi về địa danh, xã có những biến đổi về địa giới. Vào thời nhà Lý - Trần, Bảo Lạc ngày nay thuộc Châu Quảng Nguyên. Thời nhà Lê (1428 - 1527), về mặt tổ’ chức đơn vị hành chính trong cả nước được chia thành đạo, dưới đạo là trấn, lộ, huyện, châu và đơn vị hành chính cơ sở là xã. Theo đó, vùng đất Xuân Trường bấy giờ thuộc châu Bảo Lạc (châu Bảo Lạc thuộc Tây Đạo). Đến đời vua Lê Thánh Tông (năm 1466) chia cả nước thành 12 đạo thừa tuyên. Châu Bảo Lạc thuộc Tuyên Quang thừa tuyên. Theo đó, vùng đất Xuân Trường lúc bấy giờ thuộc châu Bảo Lạc, Tuyên Quang thừa tuyên.

    Dưới thời nhà Nguyễn với cuộc cải cách của Minh Mạng, xóa bỏ cấp tổng, trấn đổi các dinh thành tỉnh, dưới tỉnh là phủ, huyện, châu và tổ’ng, xã. Châu Bảo Lạc thuộc tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, vùng đất Xuân Trường lúc bấy giờ thuộc châu Bảo Lạc, tỉnh Tuyên Quang. Năm 1835, vua Minh Mạng bỏ cấp châu, chia châu Bảo Lạc thành hai huyện Vĩnh Điện và huyện Để Định, có tất cả 4 tổng và 20 xã.

    Năm 1891, dưới thời thuộc Pháp, châu Bảo Lạc được lập lại thuộc tỉnh Hà Giang, theo đó xã Xuân Trường ngày nay là một phần đất thuộc châu Bảo Lạc, tỉnh Hà Giang. Cũng trong năm 1891, theo Nghị định của toàn quyền Đông Dương ngày 20/8/1891 về việc thành lập ở Bắc Kì 4 đạo quan binh. Cao Bằng là một tiểu quân khu thuộc Đạo quan binh 2 Lạng Sơn. Về sau Tiểu quân khu Cao Bằng chuyển thành Đạo quan binh 2 Cao Bằng, gồm 3 tiểu quân khu: Cao Bằng, Bảo Lạc, Bắc Kạn. Vùng đất Xuân Trường ngày nay, vào thời gian đó thuộc tiểu quân khu Bảo Lạc, Đạo quan binh 2 Cao Bằng. Đến năm 1928, châu Bảo Lạc thuộc tỉnh Cao Bằng, gồm có 2 tổ’ng và 10 xã.

    Cho đến sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, châu Bảo Lạc có 2 tổng là Mông Ân và Nam Quang. Trong đó, tổng Nam Quang gồm 8 xã: Yên Lạc, Yên Đức, Yên Lạng, Ân Quang, Gia Lạc, Vĩnh Phong, Nặm Quét, Cốc Pàng[1]. Xã Ân Quang lúc bấy giờ gồm địa phận các xã Phan Thanh, Khánh Xuân, Xuân Trường, Hồng An và một phần xã Huy Giáp ngày nay1.

    Trước năm 1958, vùng đất Xuân Trường nay có tên gọi là xã Đồng Mu. Sau khi tách xã Hồng An năm 1958, xã Đồng Mu có 02 thôn, Thôn A và Thôn B. Thôn A gồm có 09 xóm: Lũng Rạc, Thua Tổng, Bản Thán, Nà Đoỏng, Thiêng Lầu, Nà Chộc, Bản Chuồng, Tả Xáy, Phia Phoong. Thôn B gồm có 12 xóm: xóm Xà Phìn, Lũng Pù, Thẳm Tôm, Lũng Mật, Khuổ’i Van, Cốc Kẹch, Cao Bắc, Nặm Dẹt, Sléo Lủng, Mù Chảng, Phìn Sảng, Lũng Pèo.

    Đến năm 1959 xã Đồng Mu tách ra thành 02 xã gồm: Thôn A lấy tên là xã Đồng Mu; Thôn B lấy tên là xã Xuân Trường. Tên gọi xã Xuân Trường lấy theo bí danh của liệt sĩ Hoàng Văn Nhủng[1] [2]. -ry 1111111

    Năm 1959, theo Nghị quyết số 18/NQ.CB ngày 12/01/1959 Chi bộ xã Xuân Trường tách ra thành ba chi bộ: Xuân Trường, Đồng Mu và Hồng An[3].

    Năm 1981, thực hiện theo Quyết định số 245-CP, ngày 10/6/1981 của Hội đồng Chính phủ về điều chỉnh địa giới một số xã thuộc tỉnh Cao Bằng, sáp nhập xã Xuân Trường và xã Đồng Mu thành một xã lấy tên là xã Xuân Trường.

    Như vậy, gắn liền với sự biến đổi của châu, huyện Bảo Lạc qua các thời kỳ lịch sử với nhiều lần sáp nhập và chia cắt, từ năm 1981, danh xưng của xã không có sự thay đổi cho đến ngày nay. Thời điểm mới sáp nhập xã (năm 1981), xã Xuân Trường bao gồm 18 xóm: Thua Tổ’ng, Nà Đoỏng, Bản Thán, Bản Chuồng, Nà Chộc, Thiêng Lầu, Tả Xáy, Phia Phoong, Lũng Rạc, Lũng Pèo, Phìn Sảng, Mù Chảng, Cao Bắc, Cốc Kệch, Lũng Pù, Lũng Mật, Xà Phìn, Thẳm Tôm. Năm 2019, Thực hiện Nghị quyết số 27/NQ- HĐND, ngày 09/9/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng về Việc sáp nhập tên xóm, tổ’ dân phố, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, xã Xuân Trường tổ’ chức thực hiện: Sáp nhập xóm Bản Thán vào xóm Nà Đoỏng; Sáp nhập xóm Nà Chộc vào xóm Bản Chuồng; Sáp nhập xóm Cốc Kệch vào xóm Cao Bắc; Sáp nhập hai xóm Lũng Pù và Lũng Mật với tên gọi mới là xóm Cáp Cán. Từ năm 2019 cho đến nay toàn xã có 14 xóm.

    Do đặc điểm cấu tạo của địa chất, địa hình xã Xuân Trường chủ yếu là đồi núi, tập trung chủ yếu ở phía Bắc và phía Tây của xã. Xã ở độ cao 800m - 1.000 m so với mặt nước biển, xen lẫn giữa những dãy núi đá vôi là các thung lũng nhỏ hẹp. Trên địa bàn xã có các con đèo như: An Mạ, Ngàm Pác Thốc,... Đặc biệt, Khau Cốc Chà của xã Xuân Trường được xem là một trong những con đèo nổi tiếng ở Cao Bằng. Khau Cốc Chà nằm trên QL 4A có chiều dài 2,5 km nối đoạn đường từ xã Xuân Trường qua xã Khánh Xuân đến thị trấn Bảo Lạc (huyện Bảo Lạc). Đèo được làm từ thời kì Pháp thuộc tiết diện mặt đường cho người đi bộ và ngựa, đến năm 2009 con đèo được mở rộng phạm vi diện tích, giúp cho việc lưu thông được dễ dàng. Đèo gồm có 15 tầng dốc quanh co với 14 khúc cua gấp, một bên là núi dốc thẳng đứng một bên là vực sâu. Con đèo tạo nên cảnh quan thiên nhiên đẹp cho xã Xuân Trường.

    Cũng như một số xã của huyện Bảo Lạc, xã Xuân Trường mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, mỗi năm chia làm hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9, mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3. Đặc điểm nổi bật là mùa đông rét đậm, mùa hè khô, nóng. Nhiệt độ trung bình trong năm là 220C, cao nhất là 35,20C; độ ẩm trung bình là 76%, trong đó cao nhất là 89%, thấp nhất là 54%. Lượng mưa trung bình hằng năm 660 mm. Vào mùa đông thường có hiện tượng sương muối, băng tuyết. Sương muối nhiều đóng thành băng tuyết, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân địa phương.

    Trên địa bàn xã, có con suối chảy từ đầu nguồn Tát Luông qua giữa cánh đồng Đồng Mu và con suối Tả Bản chảy từ trong hang thuộc xóm Nà Đoỏng. Đây là 2 con suối cung cấp nguồn nước tưới chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp cho người dân Xuân Trường, với khoảng 230ha.

    Từ trữ lượng nước của con suối chảy từ đầu nguồn Tát Luông, được sự hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm của cấp uỷ các cấp, công trình thủy điện đã hình thành ở Đồng Mu với công suất 40 KW, cung cấp nguồn điện thắp sáng cho các hộ dân vùng thấp của xã trong những năm trước đây. Tuy nhiên, cho đến nay do nguồn nước không ổn định và sự đầu tư thiếu tính đồng bộ nên nhà máy thuỷ điện hoạt động không hiệu quả.

    Ngoài ra, xã Xuân Trường có hồ Thôm Lốm, đây là hồ nước tự nhiên nằm giữa khu vực giáp ranh hai xóm Thiêng Lầu và Bản Chuồng, vừa tạo cảnh quan tự nhiên cho địa phương, đồng thời góp phần cung cấp nước tưới cho sản xuất.

        Khu rừng Tát Luông, thuộc địa phận hai xã Xuân Trường và Hồng An, trong đó diện tích rừng thuộc xã Xuân Trường rộng 508 ha. Trước đây, rừng có nhiều loài gỗ quý như lát, đinh, nghiến, nhất là sao, loại gỗ tốt có sức chịu nắng, mưa, khó mục, lâu khô, nhựa đắng, dùng để chế tạo các đồ thủ công mỹ nghệ. Các loại rau ngót rừng, quả mác mật, măng, củ mài, củ ấu tầu cho đến các loại cây dược liệu quý như giảo cổ lam, chè dây, hoài sơn; nguồn dược liệu quý góp phần tạo nên tập quán trong thu hái và chữa bệnh bằng thuốc nam của người Mông, Dao nơi đây. Tuy nhiên, do công tác quản lý và bảo vệ rừng không được thực hiện tốt để xảy ra tình trạng phá rừng làm nương rẫy bừa bãi dẫn đến diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp, các cây gỗ quý hầu như không còn. Ngày nay, trên cơ sở tận dụng quỹ đất rừng, và ngân sách Nhà nước hỗ trợ nhân dân địa phương đang thực hiện trồng rừng tái sinh nhằm bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển kinh tế.

    Với đặc điểm địa hình đồi, núi là chủ yếu, trước đây các con đường đi lại khá hiểm trở. Nhất là các con đường lưu thông qua đèo, núi: Con đường lưu thông từ xã Xuân Trường đi Thông Nông, Hà Quảng phải qua con đèo Yên Ngựa. Đường đi từ địa bàn xã qua xã Khánh Xuân, lên huyện Bảo Lạc qua con đèo Pác Thốc. Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, thiếu thốn, phương tiện lưu thông trước đây chủ yếu là ngựa thồ và đi bộ nên hoạt  động đi lại trong nhân dân gặp nhiều khó khăn. Từ năm 1986 đến nay, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của cấp ủy, ban ngành các cấp, trên địa bàn xã đã có đường ô tô lưu thông từ trung tâm xã nối liền với các xã lân cận và đến trung tâm huyện Bảo Lạc. Giao thông được mở mang thuận lợi, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

    Thành phần dân cư sinh sống trên địa bàn xã Xuân Trường bao gồm người Tày, Dao, Mông, Nùng. Ngay từ xa xưa, người Tày đã đến nơi đây để cư trú. Các dân tộc Tày, Nùng sinh sống chủ yếu ở vùng thấp của xã, thành các xóm nhỏ. Họ tiến hành khai phá các khoảnh ruộng dọc các thung lũng, gần nguồn nước hay các chân đồi để trồng lúa, ngô.

    Sống trên các vùng núi cao là nhân dân các dân tộc Dao, Mông. Với đặc điểm địa hình cư trú ở vùng cao, hình thức canh tác truyền thống của đồng bào Mông, Dao chủ yếu là trồng ngô, đỗ tương trên các nương rẫy hay theo hình thức thổ canh hốc đá. Điều kiện canh tác khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, nên trước đây người Mông, Dao, nhất là đồng bào người Mông thường du canh du cư để mưu sinh. Ngày nay, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và ban ngành các cấp, kinh tế ở Xuân Trường đã có sự phát triển, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt.

    Bên cạnh sản xuất nông nghiệp là hoạt động kinh tế chủ đạo, người dân Xuân Trường khá thành thạo một số nghề thủ công truyền thống như dệt vải, làm mộc, đan lát... nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt hằng ngày. 

    Nghề rừng vốn gắn bó với đời sống của người dân địa phương ngay từ khi bộ phận dân cư đầu tiên đặt chân tới mảnh đất này. Họ khai thác các sản vật từ rừng thông qua hoạt động săn bắn và hái lượm nhằm bổ sung nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ cho bữa ăn hằng ngày, đặc biệt là vào dịp giáp hạt. Ngày nay, khi tài nguyên rừng ngày càng suy giảm, cùng với chính sách bảo vệ rừng, sự chỉ đạo của các cấp, ban ngành ở địa phương, nhân dân tích cực trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc và phát triển kinh tế đồi rừng. Xã đã chú trọng phát triển một số loại cây ăn quả đặc sản của địa phương như lê vàng, lê xanh, mận máu đem lại hiệu quả kinh tế.

    Đời sống văn hóa tinh thần của người dân Xuân Trường vừa mang đặc trưng của vùng miền vừa thể hiện tính phong phú, đa dạng của từng dân tộc, được thể hiện qua các yếu tố từ loại hình nhà ở, món ăn, trang phục và các tập quán sinh hoạt,...

    Đối với người Tày, loại nhà ở chủ yếu là nhà sàn. Trong truyền thống, không gian sinh hoạt có sự phân chia rõ ràng, gian tiếp khách, phòng nghỉ của các thành viên trong gia đình. Trong khi đó, người Mông có truyền thống ở nhà đất. Trong việc dựng nhà, nghi thức chọn đất làm nền nhà rất quan trọng, tuân thủ các nguyên tắc chặt chẽ. Trước hết để chọn nền nhà tốt, họ thường lấy ngọn núi thấp hơn làm chuẩ’n. Một trong các nghi thức chủ gia đình sẽ tiến hành thực hiện đó là chọn lấy một cây nhỏ bằng đũa ăn cơm dài khoảng 20 cm, phần gốc cắm xuống đất, phần ngọn gọt thật bằng, sau đó lấy quả trứng gà đặt lên ngọn cây và lấy chiếc sọt úp vào, chờ trong thời gian ba ngày nếu quả trứng không rơi có nghĩa là nơi đó được xem là mảnh đất tốt có thể dựng nhà cư trú. Sau khi dựng xong nhà, họ sẽ tiến hành dựng bếp đun ở phía đầu hồi nhà, hướng về phía mặt trời mọc.

Ẩm thực khá đa dạng, có sự khác biệt trong ngày thường và các ngày lễ tiết trong năm. Trong ngày tết, bên cạnh các món ăn như thịt vịt, lợn, gà là bánh và xôi các loại. Đối với mỗi dân tộc lại có những món ăn đặc trưng, người Mông có món mèn mén, người Tày có món lạp sưtờn,...

Sinh hoạt tín ngưỡng khá phong phú. Thờ cúng tổ tiên là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng mang dấu ấn đậm nét trong đời sống của đồng bào các dân tộc ở địa phương. Mặc dù, nghi thức thực hiện và tập tục ở mỗi dân tộc có một số điể’m riêng, song trong quan niệm truyền thống, tất cả các dân tộc đều luôn coi trọng lòng thành kính đối với người đã mất, và xem việc thờ cúng tổ’ tiên là hoạt động bắt buộc.

    Đời sống văn hóa dân gian với những yếu tố nổ’i bật như lễ hội, văn nghệ dân gian,... khá đặc sắc. Trước đây, trên địa bàn xã có các lễ hội tiêu biểu như Lễ quét đồng (quét tổ’ng), lễ hội xuất hành (xuất heng). Trong đó, lễ xuất hành được tổ’ chức vào 15 tháng Giêng hằng năm. Nghi lễ có nghi thức tung còn đón bà bụt, then đến các vị trí lễ hội để tổ chức hành lễ. Bên cạnh phần lễ là phần hội với các hoạt động vui nhộn, gắn kết các thành viên trong cộng đồng. Nam nữ hát đối đáp bằng điệu lượn cọi quê hương, múa võ, người tham gia lễ hội tung còn,.

    Lễ hội được diễn ra nhằm báo hiệu thời điểm kết thúc năm mới, từ đây người dân có thể’ bắt đầu xuống đồng cày ruộng, làm nương, vào rừng lấy củi[1]. Văn nghệ dân gian có các làn điệu phong slư, điệu nàng ới, Pựt lằn của người Tày, Nùng... Các làn điệu này thường được biểu diễn vào ngày hội, ngày chợ hội, ngày vui của cá nhân, cộng đồng (đám cưới, vào nhà mới, mừng thượng thọ, mừng năm mới).

Cũng như nhiều địa phương của huyện Bảo Lạc, tính cộng đồng giúp đỡ nhau trong cuộc sống là một đặc điể’m nổi bật trong văn hóa địa phương. Người dân trong xã đã cùng nhau đối phó với những khó khăn, khắc nghiệt của tự nhiên; hỗ trợ nhau trong sản xuất, lúc khó khăn hay khi gia đình có công việc quan trọng như cưới xin, tang ma, ốm đau bệnh tật. Truyền thống tương thân, tương ái, đoàn kết được phát huy, phát triể’n thành tinh thần cách mạng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương, đất nước; tinh thần tự lực, tự cường nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương của mỗi người dân xã Xuân Trường.

Ngày nay trong xu thế hội nhập, văn hóa của nhân dân xã Xuân Trường đã có sự biến đổi thông qua quá trình giao lưu, tiếp thu các yếu tố văn hóa là tinh hoa từ bên ngoài, làm phong phú, đa dạng thêm văn hoá địa phương.



[1] Tỉnh uỷ - Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, Địa chí các xã tỉnh Cao Bằng, Quyển II, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 156





[1]  Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bảo Lạc, Lịch sử Đảng bộ huyện Bảo Lạc (1930 - 2005), Nxb. Lao động, Hà Nội, 2010, tr.12; Tỉnh uỷ - Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, Địa chí Cao Bằng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.832.

[2]  Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bảo Lạc, Lịch sử Đảng bộ huyện Bảo Lạc (1930 - 2005), Nxb. Lao động, Hà Nội, 2010, tr.52.

[3]  Theo Nghị quyết số 18/NQ.CB ngày 12/01/1959 về việc chia tách Chi bộ xã Xuân Trường, tài liệu lưu tại Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Cao Bằng.



[1]   Tỉnh uỷ - Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, Địa lí - Lịch sử Cao Bằng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.384


Tin khác
Tin tức
Đăng nhập