Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Truyền thống văn hóa

    Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Xuân Trường vừa mang đặc trưng của vùng miền vừa thể hiện tính phong phú, đa dạng của từng dân tộc, được thể hiện qua các yếu tố từ loại hình nhà ở, món ăn, trang phục và các tập quán sinh hoạt,…

    Đối với người Tày, loại nhà ở chủ yếu là nhà sàn. Trong truyền thống, không gian sinh hoạt có sự phân chia rõ ràng, gian tiếp khách, phòng nghỉ của các thành viên trong gia đình. Trong khi đó, người Mông có truyền thống ở nhà đất. Trong việc dựngnhà, nghi thức chọn đất làm nền nhà rất quan trọng, tuân thủ các nguyên tắc chặt chẽ. Sau khi dựng xong nhà, họ sẽ tiến hành dựng bếp đun ở phía đầu hồi nhà, hướng về phía mặt trời mọc.

    Ẩm thực khá đa dạng, có sự khác biệt trong ngày thường và các ngày lễ tiết trong năm. Trong ngày tết, bên cạnh các món ăn như thịt vịt, lợn, gà là bánh và xôi các loại. Đối với mỗi dân tộc lại có những món ăn đặc trưng, người Mông có món mèn mén, người Tày có món lạp sườn,…

Sinh hoạt tín ngưỡng khá phong phú. Thờ cúng tổ tiên là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng mang dấu ấn đậm nét trong đời sống của đồng bào các dân tộc ở địa phương. Mặc dù, nghi thức thực hiện và tập tục ở mỗi dân tộc có một số điểm riêng, song trong quan niệm truyền thống, tất cả các dân tộc đều luôn coi trọng lòng thành kính đối với người đã mất, và xem việc thờ cúng tổ tiên là hoạt động bắt buộc.

    Đời sống văn hóa dân gian với những yếu tố nổi bật như lễ hội, văn nghệ dân gian,... khá đặc sắc. Trước đây, trên địa bàn xã có các lễ hội tiêu biểu như Lễ quét đồng (quét tổng), lễ hội xuất hành (xuất heng) để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người mạnh khỏe, bình an. Trong đó, lễ xuất hành được tổ chức vào 15 tháng Giêng hằng năm. Nghi lễ có nghi thức tung còn đón bà bụt, then đến các vị trí lễ hội để tổ chức hành lễ. Bên cạnh phần lễ là phần hội với các hoạt động vui nhộn, gắn kết các thành viên trong cộng đồng. Nam nữ hát đối đáp bằng điệu lượn cọi quê hương, múa võ, người tham gia lễ hội tung còn,…

    Lễ hội được diễn ra nhằm báo hiệu thời điểm đầu Xuân, từ đây nhân dân có thể bắt đầu xuống đồng cày ruộng, làm nương, vào rừng lấy củi. Văn nghệ dân gian có các làn điệu phong slư, điệu nàng ới, Pựt lằn của người Tày, Nùng… Các làn điệu này thường được biểu diễn vào ngày hội, ngày chợ hội, ngày vui của cá nhân, cộng đồng (đám cưới, vào nhà mới, mừng thượng thọ, mừng năm mới).

    Cũng như nhiều địa phương của huyện Bảo Lạc, tính cộng đồng giúp đỡ nhau trong cuộc sống là một đặc điểm nổi bật trong văn hóa địa phương. Nhân dân trong xã đã cùng nhau đối phó với những khó khăn, khắc nghiệt của tự nhiên; hỗ trợ nhau trong sản xuất, lúc khó khăn hay khi gia đình có công việc quan trọng như cưới xin, tang ma, ốm đau bệnh tật. Truyền thống tương thân, tương ái, đoàn kết được phát huy, phát triển thành tinh thần cách mạng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương, đất nước; tinh thần tự lực, tự cường nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương của mỗi nhân dân xã Xuân Trường.

    Ngày nay trong xu thế hội nhập, văn hóa của nhân dân xã Xuân Trường đã có sự biến đổi thông qua quá trình giao lưu, tiếp thu các yếu tố văn hóa là tinh hoa từ bên ngoài, làm phong phú, đa dạng thêm văn hóa địa phương.

Tin mới
Đăng nhập